Ở bất kỳ đơn vị, tổ chức nào, muốn quy trình được thực hiện theo quy củ và chuẩn mực đều cần thiết phải có kỷ luật lao động. Đây là một trong những biện pháp người sử dụng lao động áp dụng để nhắc nhở, cảnh báo cũng như trừng phạt người lao động khi có những hành vi vi phạm vào nội quy. Vậy quy trình xử lý sẽ được diễn ra như thế nào? Chi tiết có trong bài viết bên dưới.
1. Hiểu đúng về kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động được quy định trong Điều 117 Bộ luật lao động năm 2019. Đây là những quy định về việc tuân thủ theo các nguyên tắc: thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành. Những nguyên tắc này nằm trong nội quy lao động và được xây dựng dựa trên pháp luật quy định.
Kỷ luật lao động là những nội dung mang tính chất bắt buộc người lao động phải thực hiện theo đúng. Đó cũng chính là cơ sở để đảm bảo việc thực hiện công việc theo quy trình, thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả.
Nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm vào những nội quy đã được thống nhất và ban hành. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tính chất của hành vi sẽ bị áp dụng những hình thức xử lý kỷ luật lao động khác nhau.
2. Ý nghĩa của kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động mang lại nhiều ý nghĩa to lớn, bao gồm cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.
Thứ nhất, thông qua duy trì lỳ luật, người sử dụng lao động có thể sắp xếp lao động một cách hợp lý để ổn định sản xuất cũng như tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, giúp cho trật tự xã hội được đi vào khuôn khổ.
Thứ hai, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tối ưu hóa được chi phí nguyên vật liệu.
Thứ ba, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong việc tự rèn luyện bản thân, có tác phong công nghiệp, giảm thiểu những tiêu cực trong lao động sản xuất.
Thứ tư, xây dựng nề nếp của doanh nghiệp và ý thức của người lao động tạo nên môi trường làm việc ổn định, hài hòa. Đồng thời, là cơ sở để thu hút vốn đầu tư, giúp cho người lao động không bị bỡ ngỡ khi làm việc trong nhiều môi trường khác nhau.
3. Những hình thức kỷ luật lao động
Các hình thức kỷ luật lao động được xây dựng và thống nhất tại điều 124 Bộ luật lao động năm 2019, bao gồm có các hình thức:
a. Khiển trách
Đây là mức độ nhẹ nhất trong hình thức kỷ luật lao động khi người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Nó dừng lại ở mức nhắc nhở, thông báo cho người vi phạm biết rằng hành vi của mình đã bị chú ý và có nguy cơ bị tăng hình thức nếu còn tiếp tục tái phạm.
b. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng
Nếu sau khiển trách không có thái độ tích cực, người lao động có thể bị kéo dài thời hạn nâng lương. Nghĩa là, trong vòng 06 tháng, sẽ không được thông qua các quyết định nâng lương cho dù thời hạn nâng lương đã tới.
c. Cách chức
Hình thức kỷ luật này dành cho những đối tượng đang giữ một chức vụ nhất định nào đó. Sẽ bị cách chức nếu như các hành vi vi phạm đến phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn hoặc năng lực quản lý của bản thân họ.
d. Sa thải
Đây sẽ là mức kỷ luật nặng nhất được áp dụng đối với những vi phạm mang tính nghiêm trọng. Sa thải người lao động được áp dụng trong một số những trường hợp:
- Người lao động trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,..
- Người lao động bị xử lý kéo dài thời hạn nâng lương nhưng tiếp tục có thêm vi phạm, không có dấu hiệu cải thiện, hối cải.
- Người lao động tái phạm những vi phạm đã từng bị xử lý và chưa được xóa kỷ luật.
- Người lao động bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm không có lý do chính đáng. (Trừ thiên tai, hỏa hoạn, bản thân hoặc thân nhân bị ốm có xác nhận cơ sở y tế và một số trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động).
4. Chi tiết quy trình xử lý kỷ luật lao động
Quy trình xử lý kỷ luật lao động được hướng dẫn chi tiết trong nghị định 145/2020/NĐ-CP:
Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm
- Phát hiện hành vi vi phạm ngay tại thời điểm xảy ra: Doanh nghiệp tiến hành lập biên bản và thông báo đến tổ chức đại diện quản lý người lao động.
- Phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm xảy ra: Tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người vi phạm.
Bước 2: Tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động
Việc tổ chức họp xử lý kỷ luật sẽ chỉ được tiến hành trong vòng 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hoặc 12 tháng nếu là hành vi liên quan đến tài chính, tài sản,... Việc họp không tiến hành khi người vi phạm thuộc một số trường hợp đặc biệt như ốm đau, đang bị tạm giữ tạm giam, chờ xác nhận cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh, lao động nữ có thai, nghỉ thai sản hoặc người nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Quy trình họp xử lý cần được thông báo trước ít nhất 05 ngày, có đầy đủ nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành, người bị xử lý, hành vi vi phạm cụ thể. Đặc biệt, cần đảm bảo có đủ xác nhận sẽ tham gia của những đối tượng cần phải có mặt.
Buổi họp xử lý phải tuân thủ theo thời gian đã thông báo, thỏa thuận. Nội dung buổi họp cần được thành lập biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có đầy đủ chữ ký của người tham dự ở trong biên bản đó.
Bước 3: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật
Người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động và người được quy định cụ thể trong nội quy lao động là những người có quyền xử lý kỷ luật lao động.
Bước 4: Thông báo công khai quyết định xử lý kỷ luật
Gửi quyết định xử lý kỷ luật đến người lao động trong thời gian quy định cũng như người đại diện theo pháp luật của người lao động nếu chưa đủ 15 tuổi và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện xử lý kỷ luật lao động theo đúng quy trình mà Link Power nêu trên. Tất cả đều được quy định theo Bộ luật lao động.