Cùng thuộc phòng ban Nhân sự nhưng vai trò và trách nhiệm của HR Executive (nhân viên nhân sự) và HR Specialist / HR Supervisor (chuyên viên) lại khác biệt hoàn toàn. Sự khác biệt này đến từ quá trình bắt đầu học để làm nghề thế nào rồi nâng cao lên thực hiện nghiệp vụ nhân sự chuyên sâu như chuyên viên nhân sự ra sao.
Xuất phát điểm là một nhân viên nhân sự bạn phải hiểu về vai trò và trách nhiệm của nhân sự và cách thực thi công việc, các nhân viên nhân sự được đào tạo để làm và nắm được những nghiệp vụ cơ bản của một người làm HR.
Khi đã nắm được vai trò và trách nhiệm, bạn không còn học việc nữa mà cần phát triển tư duy phân tích, tư vấn và xây dựng hệ thống để trở thành một chuyên viên HR lành nghề.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn định hướng được career path thăng tiến giữa “nhân viên nhân sự” và “chuyên viên nhân sự”, từ mục tiêu giá trị đến bộ kỹ năng kiến thức cần thiết cho từng vị trí.
1. Định hướng, mục tiêu và giá trị của “nhân viên nhân sự” và “chuyên viên nhân sự”
Cũng giống như các lĩnh vực ngành nghề khác, khi bạn chọn đi con đường nào bạn cũng phải đặt ra những mục tiêu để thực hiện. Vấn đề đặt mục tiêu còn phụ thuộc vào các yếu tố như kỹ năng, thực trạng hiện tại và năng lực của bản thân.
Làm nghề Nhân sự hiện đại là không ngừng phát triển và xu hướng của nghề cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Vì vậy, khi bắt đầu là một nhân viên nhân sự đến khi thăng cấp trở thành chuyên viên nhân sự, chính bạn cũng tự vẽ cho mình được lộ trình phát triển nghề nghiệp ra sao.
1.1. Nhân viên Nhân sự:
Nhân viên Nhân sự là vị trí đầu tiên khi bạn là “newbie” của phòng ban Nhân sự. Tại vị trí này bạn cần nắm tổng quan về công việc của một người làm về Nhân sự bao gồm những gì và quy trình để thực hiện nó như thế nào.
Bạn sẽ làm những công việc cơ bản nhất như: Đăng thông tin tuyển dụng, sàng lọc ứng viên, quản lý hồ sơ nhân viên, lập bảng tính lương theo ngày/giờ/ca… Là người mới, bạn sẽ được cung cấp những biểu mẫu, công cụ thực hành đã có sẵn và chỉ việc làm theo. Khi này bạn đang ở mức độ là hiểu và làm được việc. (HOW)
1.2. Chuyên viên Nhân sự:
Chuyên viên Nhân sự mang tính chất chuyên sâu về nghiệp vụ nhân sự nữa, không còn cảnh “chân ướt chân ráo” mới vào nghề cần cầm tay chỉ việc nữa mà chính bạn sẽ tự phân tích, tư vấn và xây dựng hệ thống nhân sự dưới sự tham mưu của các cấp Trưởng phòng và lãnh đạo. Đây là vị trí bạn có thể đạt được khi đã có kinh nghiệm ít nhất từ 1-2 năm về nghề.
Khi đã lên cấp bậc chuyên viên bạn đã hiểu và làm thuần thục các nghiệp vụ cơ bản và cần tiếp tục được định hướng, thực hành chuyên sâu về mặt tính chất cũng như kiến thức chuyên môn mang tính tư duy phân tích và xây dựng.
Xác định được mục tiêu của bản thân, tại thời điểm "HOW" bạn là người mới thì bạn cần phải có kiến thức nghiệp vụ để thực hiện công việc. Sau khi đã làm được các công việc nghiệp vụ là tới giai đoạn bạn cần nâng cấp bản thân đi lên thì việc thăng chức là ví dụ thực tế nhất.
2. Sự khác biệt giữa HR Basic Skills và HR Advanced Skills
Nếu HR Basic Skills (kỹ năng nhân sự cơ bản) là học việc, HR Advanced Skills (kỹ năng nhân sự chuyên sâu) là sự hình thành và phát triển tư duy trong công việc.
Ở HR Basic Skills chúng ta chỉ dừng lại ở mức là hiểu và làm được việc đó là mục tiêu chính khi bạn ở mức độ làm nghề cơ bản.
HR Advanced Skills ở một cấp độ cao hơn là bạn có thể xây dựng kế hoạch, ở mức độ này yêu cầu bạn phải có tư duy xây dựng và phân tích vấn đề một cách cụ thể bởi vì bạn đã hiểu được tại sao quá trình của công việc này lại được làm như vậy. Một số ví dụ đơn giản thể hiện sự khác biệt giữa cơ bản và nâng cao
2.1. Tính lương cơ bản và xây dựng hệ thống lương theo năng lực
Basic HR đầu mục công việc cho Lập các phép tính lương theo ca/ngày/giờ, tính phần trăm BHXH và phần trăm thuế TNCN của người lao động. Tất cả đều dựa theo biểu mẫu và các công thức có sẵn áp dụng và ra kết quả.
Tuy nhiên ở Advanced HR bạn sẽ xây dựng một hệ thống đánh giá lương dựa theo năng lực. Nắm và hiểu được cơ cấu tổng quan của hệ thống lương, thưởng và phúc lợi trong doanh nghiệp, giám sát chất lượng và hiệu quả của nhân sự nội bộ.
Ở mức độ nâng cao này 2 kỹ năng bạn cần phải có là quan sát và đánh giá, hiển nhiên ai cũng có thể quan sát và đánh giá nhưng mức độ quan sát ở đây là follow theo tiến độ làm việc của nhân viên và đánh giá năng lực của họ thông qua hiệu suất, thái độ và thời gian hoàn thành công việc.
2.2. Tuyển dụng và thiết kế công việc
Công việc tuyển dụng của một nhân viên nhân sự là lên kế hoạch tuyển dụng, đăng tin tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển, tổng hợp và gửi bảng báo cáo ứng viên đã tham dự phỏng vấn gửi lên cho cấp trên chọn và phê duyệt
Chuyên viên nhân sự không phải làm những quy trình căn bản đó nữa. Bạn sẽ phải thiết kế một bảng mô tả công việc chi tiết cho vị trí tuyển dụng đó.
2.3. Quản lý công việc hiệu quả và Xây dựng & đánh giá KPI
Nghiệp vụ của một nhân viên nhân sự có cả mục đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên bao gồm thống kê, tổng hợp và báo cáo kết quả nhân viên thực hiện công việc thế nào, hiệu quả đạt được ở mức nào.
Nhưng với chuyên viên nhân sự bạn phải xây dựng và thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả công việc của từng cá nhân, phòng ban và cuối cùng là đánh giá hiệu quả công việc mà nhân viên đã thực hiện.
2.4 Lập kế hoạch đào tạo nhân sự và đánh giá kết quả đào tạo
Nhân viên nhân sự sẽ lập kế hoạch, liên hệ cơ sở đào tạo, lên danh sách đào tạo nhân viên nội bộ, theo dõi chương trình đào tạo và thống kê kết quả đào tạo nhân viên.
Chuyên viên nhân sự phân tích và chọn lọc nhu cầu đào tạo của nhân viên, đánh giá hiệu quả công việc nhân viên trước và sau khi đào tạo. Cung cấp các công cụ đào tạo và tiến hành đánh giá chất lượng của buổi đào tạo.
Sự khác biệt giữa cơ bản và nâng cao nó khác biệt ở tính chất công việc. Mức độ nhân viên bạn sẽ đi thực thi những kế hoạch được giao và tổng kết lại để là báo cáo lên cấp trên.
Còn mức độ chuyên viên vì bạn đã thành thục các kỹ năng nghiệp vụ đó trong quá trình học việc, bạn sẽ phải lên kế hoạch, thiết kế và lập các bản xây dựng công việc để nhân viên thực thi chúng.
3. Các kỹ năng bổ sung mà Chuyên viên nhân sự phải có:
Các chuyên viên nhân sự khi đã làm được việc các bạn sẽ tiến đến mức độ là xây dựng và phát triển kế hoạch cũng như hệ thống. Một trong những kỹ năng nghiệp vụ yêu cầu chuyên viên phải bổ sung chính là “Xây dựng khung năng lực”.
Xây dựng khung năng lực là quy trình quản trị nhân sự tổng hợp ứng dụng cho việc tuyển dụng các cấp quản lý - cán bộ.
Việc xây dựng khung năng lực giúp người tuyển dụng phân biệt được đâu là kỹ năng có thể đào tạo và phát triển và ngược lại. Nắm được năng lực của ứng viên để có thể tuyển được người phù hợp cho doanh nghiệp.
4. Tổng kết:
Định hướng phát triển trong lĩnh vực Nhân sự có hai chiều: “ngang - dọc” tức nghĩa “phát triển chuyên sâu - thăng tiến cao hơn”.
Dù thế nào đi nữa thì việc bắt đầu bằng cái nền căn bản thật chắc chắn bằng cách tìm hiểu thật kỹ tính chất và kỹ năng cần có của một người làm về nhân sự là gì. Khi đã có nền tảng đủ cứng thì bạn mới có thể bước đi vững hơn và thăng tiến xa hơn trong công việc.
Càng trang bị cho mình nhiều kỹ năng càng thuận lợi hơn trong công việc. Thực tế cho thấy bạn sẽ được trả mức thu nhập tương xứng với mức đầu tư vào chính bản thân để trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng. Đó gọi là đầu tư thông minh và đương nhiên đầu tư và chính mình chưa bao giờ là lỗ cả.