THANG ĐO BLOOM LÀ GÌ? LIỆU CÓ THỂ ỨNG DỤNG THANG ĐO BLOOM CHO DOANH NGHIỆP?

THANG ĐO BLOOM LÀ GÌ? LIỆU CÓ THỂ ỨNG DỤNG THANG ĐO BLOOM CHO DOANH NGHIỆP?

Total Rewards

Thang đo Bloom là một công cụ nền tảng dùng để phân loại các mục tiêu và kĩ năng khác nhau trong học tập. Tuy nhiên trong những năm gần đây các doanh nghiệp cũng đang triển khai đưa thang đo bloom vào việc đánh giá hiệu quả đào tạo nội bộ của doanh nghiệp. 

1. Thang đo Bloom là gì?

Thang đo Bloom là một thang phân loại, giúp phân cấp các mục tiêu học tập thành các cấp độ khác nhau. Qua đó, thang Bloom sẽ đề cập đến 6 mức độ tư duy: Ghi nhớ (Remembering), Hiểu (Understanding), Áp dụng (Applying), Phân tích (Analyzing), Đánh giá (Evaluating) và Sáng tạo (Creating). Thông thường, thang đo Bloom sẽ được áp dụng hiệu quả trong môi trường đạo tạo bởi đặc tính của thang đo là luôn khuyến khích phát triển các kỹ năng, tư duy của học viên.

Thang đo Bloom

Về quá trình phát triển của thang đo Bloom, năm 1956, giáo sư Benjamin Bloom cho ra mắt và giới thiệu những tiện ích của thang đo Bloom. Ban đầu, công cụ này sinh ra chỉ với mục đích muốn cung cấp các kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên học tốt hơn. Qua đó, sau khi hoàn thành mỗi đơn vị bài học, hoặc các bài kiểm tra, các bạn học sinh sẽ tiến hành đo lường, đánh giá những gì mà các bạn đã học được. Việc đánh giá sẽ giúp xác định rõ các bạn đang gặp khó khăn gì, vấn đề gì và sau đó sẽ có các hoạt động bổ trợ nhằm giúp họ có một nền tảng kiến thức vững chắc hơn. 

Về phân loại thang đo Bloom, thông thường, thang Bloom sẽ được chia theo thang đo về nhận thức, thang đo về thái độ và thang đo về kỹ năng vận động

2. Các cấp độ tư duy trong thang đo Bloom

2.1. Ghi nhớ

Ghi nhớ là cấp độ đầu tiên ở thang đo Bloom. Đây được xem là khả năng tiếp thu, khôi phục và nhớ lại các thông tin đã tiếp nhận được. Mặc dù được xem là cấp độ cơ bản, nhưng chính sự cơ bản đó chính là tiền đề cần thiết để đạt được các cấp độ tư duy cao hơn. Khi người học có khả năng nhắc lại được kiến thức đã tiếp nhận, dù là nhắc lại một cách không rõ ràng hoặc rập khuôn, thì mặc định chung người đó đã đạt được cấp độ đầu tiên của thang đo Bloom là ghi nhớ.

cấp độ Ghi nhớ trong thang đo Bloom

Để kiểm tra mức độ ghi nhớ của học viên, giảng viên có thể đặt các câu hỏi gợi nhớ cho học viên như: Hãy liệt kê, hãy mô tả, hãy phân loại,... và gợi ý cho học viên những từ khóa để học viên có thể tự trình bày được. 

2.2. Hiểu biết 

Hiểu biết là cấp độ thứ hai của thang đo Bloom. Việc ghi nhớ thông tin là quan trọng, nhưng chưa đủ. Người học cần ghi nhớ và hiểu các thông tin đó một cách có hệ thống mới có thể giải thích, diễn giải và áp dụng. Ở cấp độ này, người học có thể nắm chắc và thật sự hiểu được kiến thức.

Để giúp người học có thể hiểu sâu kiến thức một cách nhanh chóng, cũng như “chinh phục” được nấc thang mới của thang đo Bloom, giảng viên nên tạo thêm những phần diễn giải “sống động” cho bài học của mình, ví dụ như đưa ra các ví dụ, nguyên nhân, giải thích, đưa ra được hệ quả,... Việc này sẽ giúp học viên dễ dàng hiểu một vấn đề một cách chủ động và tăng phần hứng thú với việc tiếp nhận một thông tin.

2.3. Vận dụng

Cấp độ thứ ba của thang đo Bloom là vận dụng, hay còn được gọi là áp dụng. Sau các bước ghi nhớ, thấu hiểu, người học cần áp dụng kiến thức mình học được bằng các hoạt động nhằm chứng minh mức độ hiểu biết của người học đến thông tin đó đã đúng hay chưa, đã đủ hay chưa, đây là một bước rất quan trọng để giảng viên có thể đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học viên có gặp vấn đề gì hay không.

Để đánh giá khả năng vận dụng của học viên, giảng viên có thể giao cho học viên làm những bài tập như đưa ra case study, thuyết trình về phần bài mình học,... để đánh giá một cách khách quan nhất.

2.4. Phân tích

Phân tích là cấp độ thứ 4 theo thang đo Bloom. Ở cấp độ này, người học sẽ chia nội dung này thành các phần nhỏ và đối chiếu, giải thích lý do vì sao chia như vậy, chúng có điểm tương đồng hay mục đích chung nào không? Ở phần này, người học sẽ phát triển khả năng phân biệt, phát hiện chi tiết của học viên để hiểu rõ hơn về nội dung được học.

Cấp độ phân tích trong thang đo Bloom 

Để đánh giá khả năng phân tích của học viên, giảng viên nên cho học viên thực hành các bài so sánh, đối chiếu, tìm ra điều khác biệt,... Đây được xem là cấp độ quan trọng nhất trong thang đo vì học viên phải tự suy nghĩ và phân loại các thông tin mình nhận được. 

2.5. Đánh giá

Đánh giá là cấp độ thứ 5 ở thang đo Bloom. Sau khi phân tích các vấn đề đã nêu, người học sẽ đánh giá tính đúng-sai, phù hợp-không phù hợp để đánh giá một cách khách quan nhất trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Qua đó, học viên cần giải thích và lập luận chi tiết để bảo vệ quan điểm của mình. 

2.6. Sáng tạo

Sáng tạo được xem là cấp độ cao nhất của thang Bloom. Để đạt được cấp độ tư duy này, người học cần đúc kết các kiến thức đã học, hiểu sâu, kết nối, lắp ghép các kiến thức với nhau và đưa ra cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu hơn, thông minh hơn. Bên cạnh đó, sáng tạo được xem là khái niệm đưa ra những cái mới thông qua những kiến thức cũ đã được học. 

Đây cũng là điều mà các giảng viên nên hướng đến các học viên của mình. Hãy tạo một môi trường mà học viên có thể thỏa sức tạo ra những điều mới mè, vừa giúp người học có thể tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng, vừa khiến bài học trở nên bớt nhàm chán. 

3. Ứng dụng thang đo Bloom vào doanh nghiệp

Ngoài những chức năng giúp tăng độ hiệu quả trong học tập, thang đo Bloom có thể được áp dụng vào đánh giá hiệu quả đào tạo nội bộ của doanh nghiệp. Dựa trên thang đo Bloom, giảng viên có thể xây dựng mục tiêu đào tạo, hệ thống kiến thức; hệ thống câu hỏi, bài tập, bài kiểm tra phù hợp để học viên có thể tiếp thu và thực hành, áp dụng kiến thức vào trong công việc.

Để có thể hiểu hơn về thang đo Bloom và cách ứng dụng thang đo Bloom trong doanh nghiệp một cách hiệu quả, các bạn có thể tham khảo nội dung về vận dụng thang đo BLOOM, nằm trong khóa học Xây dựng khung năng lực. Chi tiết về khóa học bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY