TẠI SAO MỘT CHUYÊN VIÊN C&B “KỸ TÍNH” ĐẾN VẬY?

TẠI SAO MỘT CHUYÊN VIÊN C&B “KỸ TÍNH” ĐẾN VẬY?

Total Rewards

Cẩn thận, chi tiết và tư duy logic là những từ dùng để mô tả một C&B- nghề “khó nhằn” mà không phải ai cố gắng cũng có thể làm được. 

Một chuyên viên C&B ngoài việc như: chịu trách nhiệm về lương thưởng, chấm công, các vấn đề liên quan đến người lao động. 

Họ không những là người đứng giữa, là cầu nối để giải quyết các công việc giữa nhân viên với sếp, mà còn có trọng trách giải quyết các khiếu nại về quyền lợi của nhân viên, đưa ra cách giải quyết tốt nhất, hơn thế còn phải ghi chép và đề xuất với sếp những phương pháp phù hợp. Những điều này, giúp ta nhận thấy C&B là một bộ phận vô cùng quan trọng trong công ty.

1. C&B là gì? Họ là ai trong phòng nhân sự?

C&B là chữ viết tắt của cụm từ Compensation & Benefits chỉ sự chịu trách nhiệm về mọi quyết định lương thưởng và các phúc lợi của nhân viên trong công ty. Compensation mang một nghĩa rất rộng có thể hiểu là bồi thường hoặc thưởng, trong bối cảnh doanh nghiệp ở đây chỉ đến tiền lương. Nói một cách dễ hiểu hơn khi đề cập đến compensation là đề cập đến việc tiền thù lao được trao cho một nhân viên để đổi lấy sức lao động của họ, và mức lương thưởng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà công ty đưa ra.

Ngoài lương ra, lợi ích phúc lợi (Benefits) cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng để giữ chân nhân tài và nguồn nhân lực cho công ty. Phúc lợi của công ty bao gồm các khoản thưởng, bảo hiểm xã hội, hiếu hỷ, quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên,..

C&B được ví như “người mẹ 10 tay”. Họ cần có một đầu óc tính toán, biết cân bằng công việc của từng bộ phận và phân chia hợp lý cho từng nhân viên, hơn thế nữa họ phải biết quản lý nhân sự tốt, vì công ty có nhiều nhân viên và nhiều công việc phải thực hiện:

  1. Lưu trữ, sắp xếp, cập nhật hồ sơ lương, các văn bản đề bạt, tăng lương, kỷ luật, chứng từ liên quan đến lương.
  2. Cập nhật số liệu BHXH, BHYT, BHTN để hoàn thiện hồ sơ cho người lao động
  3. Kiểm tra việc chấm công và thực hiện nội quy lao động, quản lý chế độ nghỉ phép, nghỉ bù, tăng ca, giờ làm việc…
  4. Lập danh sách nhân sự cần nộp thuế thu nhập cá nhân, tiến hành lập hóa đơn thu nộp thuế cho từng nhân viên.
  5. Cập nhật quy định của Pháp luật về chế độ, mức lương, chính sách… để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa.
  6. Làm việc với ngân hàng về việc lập hồ sơ làm thẻ ATM cho nhân viên.
  7. Giải quyết đề xuất nghỉ việc của nhân viên.
  8. Giải đáp mọi thắc mắc về tiền lương.
  9. Theo dõi, cập nhập, báo cáo tình hình nhân sự

6 Level chính cần trải qua để trở thành 1 nhân viên C&B chuyên nghiệp

  • Payroll Executive: Nhân viên tính bảng lương. Chức năng của vị trí này là lập bảng chấm công, bảng lương hằng tháng cho nhân viên.
  • Payroll Specialist: Chuyên viên chấm công, Hiểu và thực thi quy trình hệ thống quy định tiền lương của công ty.
  • Payroll Supervisor: Giám sát công việc, quản lý chấm công, so sánh hiệu quả năng suất hoạt động của công ty
  • C&B Specialist: Xây dựng và triển khai chính sách lương thưởng, thiết lập kế hoạch dự báo ngân sách cho công ty
  • C&B Management: xây dựng thiết lập mục tiêu lương thưởng và phúc lợi
  • Total Rewards Director: Hoạch định chiến lược, tầm nhìn dài hạn về hệ thống lương thưởng trong 3-6 năm về lương thưởng và phúc lợi. 

Lương thưởng của C&B như thế nào?

Mức lương tối thiểu dành cho một chuyên viên C&B mới vào nghề có mức tối thiểu  khoản 7tr/tháng và sẽ được đánh giá năng lực và chuyên môn tăng lương theo thời gian. Đối với những những bạn làm C&B lâu năm và có nhiều năm kinh nghiêm trong nghề mức lương tối thiểu có thể dao động từ 15-30 triệu/tháng chưa kể KPI và thưởng phúc lợi.


Có thể đây là mức thu nhập khá cao cho khối làm văn phòng, tuy nhiên mức lương hiện đưa ra chỉ ở dạng tham khảo và có thể thay đổi theo thời gian, quy mô công ty, thị trường,.. và nhiều yếu tố khác.

Kỹ năng để trở thành một C&B

Kỹ năng cơ bản:

  • Thành thạo tin học văn phòng
  • Thành thạo về luật lao động cũng như luật bảo hiểm và thuế
  • Không thể thiếu tiếng anh nếu bạn đầu quân vào công ty nước ngoài

Đó là 3 kỹ năng cơ bản mà 1 chuyên viên C&B cần phải có. Tuy nhiên, để có thể thăng tiến nhanh trong công việc bạn không thể thiếu:

Kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đây là kỹ năng mà một chuyên viên nhân sự cần đảm bảo.

Kỹ năng giao tiếp, có kĩ năng này bạn mới có thể giải quyết những vấn đề khiếu nại một cách “êm ấm”. Ngoài ra cần phải “kẹp nách” kỹ năng đàm phán và thuyết phục tốt. 

Kỹ năng quản trị công việc. Một chuyên viên C&B phải biết cách quản lý con người mới có thể sắp xếp công việc cho từng nhân viên một cách hiệu quả,  ngoài ra còn phải giảm bớt xung đột khi có khiếu nại.

Quản lý thời gian sẽ là kỹ năng không thể thiếu, vì họ phải làm nhiều công việc cùng lúc, sẽ rất khó tưởng tượng nếu một chuyên viên C&B làm lộn xộn, công việc chồng chéo, gây giảm hiệu suất trầm trọng. 

Tố chất của người làm C&B

Sự cẩn thận và chính xác

Nhân sự nói chung và C&B nói riêng là một nghề nghiệp khá đặc thù, nó đòi hỏi sự chuẩn xác và đồng nhất khi trao đổi thông tin giữa các bộ phận/phòng ban với nhau. Chỉ cần một thông tin thiếu chính xác có thể làm ứng viên hoặc nhân viên đang làm mất niềm tin tưởng vào tổ chức.

 

Luôn “có tâm” trong mọi thứ

“Có tâm” được hiểu ở đây là sự chỉnh chu của một C&B. Các khâu tiếp đón ứng viên, quá trình trao đổi, rồi các hướng dẫn khi bắt đầu nên chỉnh chu. Nếu hời hợt và không đặt mình để thấu hiểu những khó khăn bỡ ngỡ của ứng viên, thì sẽ rất khó làm việc đâm ra công việc không hiệu quả.

Tính bảo mật

Nhân viên Phòng C&B được tiếp cận rất nhiều thông tin nhạy cảm như: Tăng giảm nhân sự, điều chỉnh lương, thăng chức...của đa số mọi người trong công ty. Nên yêu cầu bảo mật là bắt buộc. Vậy nên gần như bắt buộc người làm C&B phải thuộc tuýp người không “bà tám”.

Tính kỷ luật

C&B  luôn được xem là kiểu mẫu về cả về cách cư xử, kỹ năng giao tiếp, kỷ luật kỷ cương…Vậy nên người làm nghề này luôn cần tỉ mỉ trong gần như mọi mặt.

Công bằng và sự tử tế

Sự công bằng: Trong một số tình huống, Người làm C&B có một số quyền lực mềm trong tay. Ví dụ như Công ty có đợt đánh giá để cắt giảm nhân sự yếu kém, hay những đợt đánh giá vinh danh nhân viên xuất sắc...ít nhiều C&B sẽ có tiếng nói. Nên việc công tâm để đưa ra lựa chọn cuối cùng dựa trên lợi ích của tập thể là vô cùng quan trọng 

Sự tử tế: Trong tất cả các tình huống, người làm nghề C&B là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nên khi không đủ tỉnh táo mà nghiêng quá nhiều về một bên nào đó thì bên còn lại sẽ thiệt thòi. Tất nhiên, đi làm thì phải đảm bảo thực hiện các yêu cầu của Công ty, tuy nhiên sự tử tế sẽ giúp một C&B đảm bảo yếu tố win-win tốt hơn cho cả hai.

Ngoài ra, bản thân người làm C&B còn phải là người có định hướng dài lâu, kiên trì trên con đường này. Gần như để tuyển một chuyên viên C&B “bẩm sinh” yêu công việc là không hề dễ dàng. Vẫn biết theo nghề C&B không lên quản lý nhưng nếu quyết tâm đạt đỉnh Total Rewards thì cũng không thua kém một ai. Hy vọng bài viết đã  giúp bạn nhìn thấy rõ lộ trình phát triển của một C&B thực thụ.

>> Hiện tại, Link Power đang có khóa học HR Foundation Online nhằm giúp những bạn nhân sự tay ngang, các bạn sinh viên ngành nhân sự mới ra trường cập nhật các kiến thức nhân sự mới nhất, mô hình nhân sự hiện đại, thực chiến được tại Doanh nghiệp ngay sau khi kết thúc khóa học. Mọi thông tin chi tiết tham khảo TẠI ĐÂY.