HR cần làm gì để trở thành một Freelancer “PRO”

HR cần làm gì để trở thành một Freelancer “PRO”

HR General - Nhân sự tổng hợp

Tại Việt Nam, cụm từ HR Freelancer còn khá xa lạ. Vì công việc Freelancer mới xuất hiện trong những năm gần đây.  Đồng thời, người làm Nhân Sự thường được xem là người làm hành chính, ít linh hoạt trong công việc. Tuy nhiên, Người làm Nhân sự dường như đang “chạy đua” với sự phát triển của xu thế hiện đại. Thời điểm này, đã có khá nhiều Nhân sự trở thành một Freelancer chính hiệu. 

Để nhân sự có thể trở thành Freelancer, các bạn nên cân nhắc những điều sau:

Đầu tiên, Nhân Sự cần hiểu rõ về  HR Freelancer

HR Freelancer được hiểu là những người làm nghề nhân sự freelance (nghề nhân sự tự do). Theo một cách đơn giản, người làm Nhân Sự được tự do thu xếp công việc của mình mà không có bất cứ giới hạn nào về thời gian, địa điểm làm việc. Có thể tự do làm việc mọi lúc, mọi nơi nhưng vẫn phải đáp ứng thỏa thuận của người thuê.

Không hợp đồng lao động chính thức, không phúc lợi về bảo hiểm và không chế độ an sinh xã hội. Nhiệm vụ chính là hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của dự án. 

Thứ hai, Người làm Nhân Sự cần chuẩn bị tâm lý vững chắc

 Hoàn thành công việc bán thời gian, xung quanh các công việc tạo thu nhập chính. Không yêu cầu phí để bắt đầu, chỉ cần có kỹ năng và thiết bị để thực hiện loại công việc này, bắt đầu nhanh chóng, cho phép sự độc lập cao.

Tuy nhiên, để một HR, người từng quen với công việc hành chính văn phòng chuyển sang nghề “phiêu lưu” này, bạn cần biết:

  • Freelancer có thu nhập không ổn định: Với công ty truyền thống, Nhân Sự có hợp đồng lao động, được trả lương ổn định, có bảo hiểm. Nhưng Freelancer lại khác, không có dự án sẽ không có thu nhập. 

“Lên voi xuống chó” sẽ phù hợp để tả nghề này, có tháng tiền đầy túi, tháng lại không có xu nào vì thiếu dự án. Do đó, công việc này không phù hợp với những HR đã có gia đình hay người ở độ tuổi trung niên cần có sự ổn định trong cuộc sống.

  • Bạn làm được người khác cũng làm được: Cạnh tranh là điều không tránh khỏi ở bất kỳ lĩnh vực kể cả nhân sự. Kiếm tiền Freelancer cũng thế dù cho đây là ngành nghề mới và có nhiều cơ hội phát triển đi chăng nữa. Nếu bạn chọn công việc như tuyển dụng, tính lương hay chiến lược, đào tạo,.. đồng nghĩa với có rất nhiều đối thủ cũng làm việc giống bạn. Thậm chí bạn còn bị cạnh tranh ở rất nhiều khía cạnh. Có rất nhiều người có thể làm tốt hơn với giá cả dễ chịu hơn.

Vì thế bạn phải có nỗ lực phát triển bản thân, đột phá hơn trong công việc thì về lâu dài bạn mới có nhiều khách hàng và bước đi vững chắc trên con đường của Freelancer chuyên nghiệp.

  • Khó khăn trong tìm kiếm dự án

Sự hào hứng ban đầu “tắt ngấm” do “đói dự án” sau vài tháng. Không dễ gì để doanh nghiệp giao dự án nếu bạn chưa có kinh nghiệm và chưa có danh tiếng trên thị trường. Ngoài ra tại Việt Nam, dường như công ty lớn nào cũng đã có một bộ phận nhân sự riêng, bạn có thể “chào hàng” với những công ty vừa và nhỏ để có cơ hội cao hơn. 

  • Không cẩn thận là gặp lừa đảo

Freelancer làm việc mà không có hợp đồng hay ràng buộc pháp lý với doanh nghiệp. Đôi khi, làm việc mà chẳng hề biết mặt. Nhiều trường hợp, khi đã hoàn thành dự án và gửi cho doanh nghiệp, nguy cơ “quỵt tiền” hoặc cắt giảm tiền so với thỏa thuận có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vì vậy, trước khi làm bất cứ dự án nào cũng phải tìm hiểu đối tác của mình là ai? Đồng thời phải thỏa thuận mức lương rõ ràng trước khi thực hiện công việc.

Thứ ba, Hãy là một chuyên gia

  • Có chuyên môn sâu: 

Để có thể trở thành một người làm tự do thành công, không cần phải đa năng, đa tài mà chỉ cần thật sự giỏi và hiểu sâu về chuyên môn mình đang làm. Tạo dấu ấn riêng về bản thân để gây chú ý từ khách hàng (là các cơ quan, công ty hay cá nhân). Khi chào giá, Hãy thể hiện những kỹ năng vượt trội, cũng như giải pháp tối ưu để thuyết phục khách hàng vì sao nên chọn bạn. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn không biết mình đã đủ kỹ năng, kiến thức, chuyên môn... để trở thành một HR Freelancer, thì có thể tham khảo một số khóa học như: HR foundation, HRBP, ... Sẽ giúp bạn hệ thống được công việc mình đang theo đuổi đồng thời có cái nhìn tổng quát hơn.

Nhiều khi quyết định có thể dựa trên chi phí, nhưng nếu bạn cho khách hàng nhiều hơn thứ họ thấy thì sẽ hiệu quả hơn. Bạn cần cho họ thấy bạn “lạ” hơn,  có thể làm những việc mà các freelancer khác không thể, như: cam kết về deadline, sẵn sàng nhận dự án mới hay nguồn xác nhận đáng tin cậy về chất lượng công việc của bạn, thậm chí là đưa ra phương pháp làm việc độc đáo có lợi cho hai bên.

  • Giao tiếp “đỉnh”: 

Đối với bất kỳ freelancer nào, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng trên con đường thành công. Bạn sẽ cần có khả năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng để hiểu nhu cầu và mong muốn của họ, hiểu doanh nghiệp của họ và khách hàng của họ, truyền đạt cách bạn có thể giúp đỡ. Nếu không có giao tiếp hiệu quả, khách hàng sẽ thất vọng và khiến công việc trở nên kém hiệu quả hơn, và khách hàng sẽ không tìm đến bạn những lần sau.

Đừng bao dở trò “trốn tìm” khi chạy không kịp deadline của khách hàng, họ sẽ “ấn nút” cho bạn “biến” khỏi thị trường vì làm việc “gian”. Phải có 1 kênh giao tiếp để giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng để họ thấy bạn làm việc chuyên nghiệp. Có nhiều bạn làm tuyển dụng, đã hẹn lịch phỏng vấn với ứng viên của công ty, thế là kể bao nhiêu lý do để dời lịch,... làm mất danh tiếng thương hiệu của công ty họ. Hãy nghiêm túc, họ thuê bạn để giải quyết vấn đề cho họ chứ không phải họ giải quyết vấn đề của bạn.

  • Năng lực sắp xếp thời gian

Bằng cách quản lý thời gian thích hợp, freelancer cần cam kết hoàn thành tiến độ công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mối quan hệ kinh doanh lâu dài dựa trên sự cam kết của cả hai bên và là chìa khóa để có thu nhập ổn định.

Thứ tư, Đừng trông chờ vào ai

Hãy mở ra những cơ hội mới cho mình, nếu một ngày không đẹp trời khách hàng “lặn” mất tăm. Hãy tiếp tục xây dựng hồ sơ, mối quan hệ và tìm kiếm công việc mới, đưa ra những khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá cho khách hàng mới để thu hút thêm đối tác.

Hãy xây dựng cho mình một kế hoạch sự nghiệp, có ý tưởng, mục tiêu, điều bạn muốn đạt được một cách rõ ràng để tránh lãng phí thời gian, tránh  thỏa hiệp nói “có” với tất cả mọi lời mời, sa đà vào những việc không cần thiết.

Thứ năm, tìm kiếm bạn đồng hành

Đôi khi bạn cũng sẽ cảm thấy “cô đơn”, thiếu tự tin và không thể đạt được ước mơ. Vì thế bạn cần những người có thể đồng hành, hỗ trợ, giúp bạn xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm công việc và khích lệ bạn.

Trở thành một freelancer đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm cực lớn cho thu nhập cá nhân bao gồm những thương lượng về việc trả lương, tìm bảo hiểm hay đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu bạn đam mê sự tự do, linh hoạt và kiếm được nhiều tiềm năng từ công việc độc lập này thì freelancer chính là một công việc lý tưởng.

Cơ hội việc làm đối với freelancer Việt Nam là vô cùng lớn, vì vậy hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu một HR freelancer cần làm gì cũng như chuẩn bị một vốn kiến thức cho công việc freelancer của bạn trong thời gian tới.

BTV- Đinh Thị Lan Anh