CV là gì? Phương pháp xác định chân dung ứng viên phù hợp

CV là gì? Phương pháp xác định chân dung ứng viên phù hợp

HR General - Nhân sự tổng hợp

Một trong những “công cụ” quan trọng nhất khi đi xin việc chính là CV. Đây là phương tiện giúp ứng viên và nhà tuyển dụng kết nối được với nhau tốt hơn, bên tuyển dụng có thể nắm bắt được những thông tin cơ bản về ứng viên. Vậy làm sao để có thể xác định được chân dung ứng viên phù hợp thông qua CV? Tất cả sẽ được bật mí qua bài viết dưới đây. 

1. CV là gì?

CV là tên viết tắt của Curriculum Vitae, tạm dịch là sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, bản chất của CV chính là một bản tóm tắt đầy đủ những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc. Đó đều là chìa khóa để giúp ứng viên để lại được ấn tượng trong mắt người xét duyệt hồ sơ. 

Dựa vào CV xin việc, nhà tuyển dụng có thể đánh giá và xem xét được từng ứng viên một cách tốt nhất. Thậm chí, nó chính là cơ sở để loại những ứng viên không phù hợp để tránh mất thời gian và công sức đi vào vòng phỏng vấn trực tiếp mà không mang lại kết quả. 

Một bản CV được trình bày rõ ràng, đẹp mắt và làm bật được những từ khóa chính cần đề cập để phù hợp với tiêu chí nhà tuyển dụng. Đặc biệt, không nên quá dài dòng trong bản CV mà nên ngắn gọn và súc tích bởi bên tuyển dụng không có nhiều thời gian để nghiên cứu quá kỹ về một bản CV quá dài. Bản CV dưới dạng PDF sẽ là chuẩn nhất để tránh lỗi.

2. Tầm quan trọng của việc xây dựng chân dung ứng viên phù hợp

Trong số rất nhiều người ứng tuyển, không phải ai cũng phù hợp với những tiêu chí mà nhà tuyển dụng đưa ra. Chính vì thế, cần có một bước sàng lọc để chọn ra những ứng viên tiềm năng nhất. Đó chính là những người phù hợp với JD đã đăng tuyển ở cả hình thức bên trong lẫn bên ngoài.

Khi xây dựng được chân dung ứng viên, điều này giúp đơn vị doanh nghiệp không chỉ nhanh chóng chọn được người thích hợp mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng ứng viên. Sau khi tuyển dụng vào làm, họ có sự phù hợp nhất định, bắt nhịp được với công việc và có sự gắn bó lâu dài. 

Chưa dừng lại, điều này còn tác động mạnh đến hiệu quả truyền thông tuyển dụng. Nội dung tuyển dụng, các kênh tuyển dụng sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Từ đó, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng khi có thể lọc được nhanh chóng những ứng viên sáng giá, họ nhận thấy được sự phù hợp của bản thân khi đọc qua bản mô tả công việc cũng như yêu cầu cần có về người ứng tuyển mà đơn vị tuyển dụng đã đưa ra. 

3. Phương pháp xây dựng chân dung ứng viên phù hợp dành cho nhà tuyển dụng

Hiện nay có rất nhiều cách khác nhau để phân chia ra các đối tượng ứng viên và sàng lọc ra ứng viên tiềm năng. Cách thức xây dựng thường được đánh giá dựa trên ba phần: phần nổi, phần chìm và nguyện vọng từ ứng viên. 

Phần nổi 

Đây sẽ là tất cả những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đã đưa ra trong JD gửi đến ứng viên. Đây là yếu tố cần phải công khai, yêu cầu tối thiểu đối với ứng viên cần phải đạt được. Thông tin cần có thường sẽ bao gồm:

  • Thông tin nhân khẩu học: Tuổi, giới tính, học vấn, tên vị trí, kinh nghiệm…
  • Tâm lý học: Mục tiêu nghề nghiệp, tính cách, động lực, nỗi lo khi tìm việc,...
  • Nguồn lực: Những kiến thức, kỹ năng mà bản thân ứng viên đang sở hữu 
  • Xu hướng tiếp cận công việc: kênh tiếp cận, hành vi tiếp cận, nội dung tìm kiếm, xu hướng gắn bó….

Dựa trên bản chân dung ở phần nổi này, nhà tuyển dụng sẽ có thể lên được kế hoạch chi tiết cho công đoạn tuyển dụng tiếp theo.

Phần chìm 

Đó sẽ là những phần thông tin không tiết lộ ra bên ngoài JD do tính bảo mật hoặc riêng tư mà doanh nghiệp cần phải giữ. Nó sẽ bao gồm hai mặt nhỏ: 

Các yếu tố được thể hiện trong CV: đây sẽ là những thông tin thu nhặt được ngay từ khi nghiên cứu CV mà chưa cần phải phỏng vấn ứng viên. Nó thể hiện ở quy trình làm việc, quá trình học tập và mục tiêu nghề nghiệp.

Các yếu tố khác sẽ được thể hiện và đánh giá khi tiến hành phỏng vấn. Thường đó sẽ là những câu hỏi thông tin liên quan đến tính cách, thái độ. Từ đó, rút ra được kết luận về sự phù hợp của ứng viên đối với văn hóa công ty cũng như tính lâu dài sau khi nhận việc. 

Ở trong phần chìm này, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một bộ tiêu chuẩn đánh giá ứng viên thông qua từng vòng. Ngoài đánh giá CV thì sử dụng những bài kiểm tra năng lực cũng chính là một dạng vũ khí nhìn thấu được ứng viên tốt nhất. Đó có thể là dạng bài kiểm tra trí tuệ và dạng bài kiểm tra mức độ phù hợp với văn hóa. 

Khi đã đánh giá xong những tiêu chí nêu trên, đi đến vòng phỏng vấn sẽ là cơ hội thể hiện mình của ứng viên và cũng là thời điểm để xác nhận năng lực của ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng. 

Kỳ vọng đến từ ứng viên 

Nhà tuyển dụng luôn kỳ vọng ứng viên đạt được những tiêu chí, yêu cầu trong làm việc đã đưa ra trước đó. Có thể hiểu đơn giản, tuyển dụng là chọn ra những người có tính phù hợp nhất chứ không phải là người có trình độ giỏi nhất. Thông thường, ứng viên luôn kỳ vọng một môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh và cơ hội thăng tiến,... 

Muốn khai thác tốt được những kỳ vọng của ứng viên, nhà tuyển dụng trước hết lại phải hiểu rõ được vị trí mình đang tuyển dụng. Tiếp theo là biết được cách lên câu hỏi khi phỏng vấn để có thể khai thác được triệt để thông tin. 

Kết luận 

Xây dựng được chân dung ứng viên phù hợp là công đoạn quan trọng, cần được đầu tư thời gian để có sự chuyên nghiệp hóa trong quy trình tuyển dụng. Đặc biệt, nó giúp tối đa hiệu quả cũng như sàng lọc được nhiều người tài hơn cho doanh nghiệp. 

Hy vọng những thông tin bên trên có thể giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn mới mẻ hơn trong xây dựng đánh giá năng lực ứng viên!