5 TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DOANH NGHIỆP HẬU COVID
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Bứt phá kinh doanh hậu covid bằng văn hóa doanh nghiệp”, các diễn giả đã chỉ rõ những khó khăn trong kinh doanh tại các doanh nghiệp trước một nền kinh tế biến động và đầy thách thức hiện nay.
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, mỗi doanh nghiệp đều gặp những thách thức không nhỏ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do giãn cách xã hội đã làm tăng gia chi phí sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống của người dân cũng đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình thế đó buộc các chủ doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của việc thay đổi để phát triển, trong đó có Văn hóa doanh nghiệp. Trong buổi chia sẻ, các diễn giả đã chỉ rõ:
“Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải làm việc theo hình thức trực tuyến, online, thì việc kết nối lãnh đạo với nhân viên, nhân viên với nhân viên rất khó khăn. Mặt khác, doanh nghiệp làm việc online, nhân viên không gặp nhau, nên mọi người thiếu đi sự đoàn kết. Năng suất công việc cũng vì vậy mà không được đảm bảo như thời điểm trước dịch”
Đứng dưới vai trò Khách mời đặc biệt tại chương trình, Bà Trần Ngọc Bích - DCEO tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chia sẻ những giá trị cốt lõi mà Tập đoàn đã xây dựng, đúc kết từ khi thành lập (năm 1994) bao gồm “Thỏa mãn khách hàng; Chất lượng chuẩn quốc tế; Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; Không gì là không thể; Làm chủ trong công việc; Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; Chính trực”.
Sự lan tỏa các giá trị cốt lõi đang là niềm tự hào của người Tân Hiệp Phát và là chỗ dựa vững chắc để vượt qua khó khăn hiện tại, bà Trần Ngọc Bích khẳng định: “Việc thực hiện những giá trị cốt lõi là phương thức đánh giá văn hóa của doanh nghiệp đó. Do đó, chúng tôi rất tự hào những người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp có thể biến những điều không thể thành có thể. Từ đó xây dựng một doanh nghiệp có tính tổ chức kỷ luật rất cao. Nhân viên phát huy những đề xuất có tính khả thi cao, những đề xuất này được chuyển đến lãnh đạo các cấp. Điều này đã làm tăng sự tương tác, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, sự tự hào có mặt trong gia đình Tân Hiệp Phát”.
Từ câu chuyện tại Tân Hiệp Phát, chúng ta thấy được tầm quan trọng và giá trị của Văn hóa doanh nghiệp tại công ty. Vì vậy, việc xác định và có một Bộ giá trị cốt lõi nói chung và Văn hóa doanh nghiệp nói riêng là điều cần thiết để bứt phá kinh doanh hậu Covid.
Trọng tâm phát triển Văn hóa doanh nghiệp hậu Covid
Đặt vấn đề tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những trọng tâm mà các doanh nghiệp cần tập trung đề phát triển Văn hóa doanh nghiệp trong công ty giai đoạn hậu Covid.
Đầu tiên, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng đội ngũ làm công tác Nhân sự đủ năng lực, đủ tâm huyết, đủ niềm tin đồng hành cùng Ban lãnh đạo phát triển và chăm sóc Văn hóa doanh nghiệp.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần tập trung đánh giá, thẩm định lại niềm tin, sức khỏe của Văn hóa doanh nghiệp trong toàn thể đội ngũ nhân viên, đặc biệt là đội ngũ Ban Lãnh đạo. Chỉ khi đội ngũ Lãnh đạo đủ, vững niềm tin thì mới có thể phát triển Văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng Thương hiệu tuyển dụng, tạo ảnh hưởng, phát triển đội ngũ kế thừa, triển khai chiến lược phát triển thu hút nhân tài (Workforce planning).
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển, nâng tầm năng lực quản lý của đội ngũ nhân viên, xây dựng và phát triển đội ngũ thành thục sử dụng công nghệ, đánh giá, ghi nhận đóng góp và phản hồi nhanh,... Từ đó, tạo một môi trường phát triển lành mạnh, giúp nhân viên thấy được những giá trị cốt lõi của Văn hóa doanh nghiệp và gắn bó lâu dài với công ty.
Cuối cùng để Văn hóa doanh nghiệp thực sự vững mạnh, các chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự giúp đội ngũ nhân viên rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh, thấu cảm, thích ứng linh hoạt, nâng cao khả năng chịu đựng và phục hồi, tái tạo nhanh trong công việc trước những thách thức của thị trường hậu Covid như hiện nay