BẤT LỢI CỦA NHÂN SỰ TAY NGANG

BẤT LỢI CỦA NHÂN SỰ TAY NGANG

HR General - Nhân sự tổng hợp

Nếu bạn là “tay ngang” làm nghề Nhân sự, điểm bất lợi lớn nhất của bạn là gì?

Dưới đây là tổng hợp những điểm bất lợi mà một người làm nghề nhân sự “tay ngang” thường mắc phải.

Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp không được hệ thống một cách rõ ràng

Đối với những bạn “tay ngang” làm nghề nhân sự, các bạn thường rất khó khăn trong việc hình dung và hiểu rõ các chức năng chính của Nhân sự. Những bạn “tay ngang” thường bắt đầu công việc từ vị trí Admin, có nhiệm vụ chính là quản lý sổ sách, hợp đồng, văn phòng phẩm, và các nhiệm vụ hành chính văn phòng liên quan,... đôi khi còn đảm nhiệm công việc của bộ phận tuyển dụng. Nhưng một nhân sự chuyên nghiệp, ngoài các kỹ năng quản lý và tuyển dụng nêu trên, bạn còn phải biết cách đáng giá và phân tích thị trường nguồn nhân lực, từ đó phát triển thêm các kỹ năng về Đào tạo con người, đưa ra chế độ lương, thưởng phù hợp, sắp xếp nhân sự của các phòng ban và đưa ra quy trình làm việc làm việc sao cho các bộ phận làm việc nhịp nhàng và hiệu quả nhất với nhau,.... và còn nhiều kỹ năng khác nữa mà các bạn “tay ngang” thường nhầm lẫn là công việc của các bộ phận khác chứ không phải nhiệm vụ chính của HR hoặc đã từng làm qua nhưng không thể “điểm mặt gọi tên”. Dẫn đến khó khăn trong việc xác định KPI và độ hiệu quả trong công việc của các bạn.

Thiếu phương pháp luận 

Việc thiếu một bức tranh tổng quan về ngành nghề vô hình chung tạo cho các bạn một sự bị động trong cách tiếp cận và giải quyết các tình huống. Khi có vấn đề xảy ra, các bạn thường sẽ tra cứu trên Internet, hỏi trên các diễn đàn để các tiền bối đi trước giúp đỡ. Nhưng khi nhận được câu trả lời, phần đa các bạn sẽ “mù quáng” áp dụng, thiếu tính phản biện và phân tích các giải pháp phù hợp với tình huống của chính mình. Dẫn đến câu chuyện các giải pháp đôi khi chưa phù, phát sinh sai phạm, hoặc đôi khi phát sinh thêm vấn đề mới ngoài tầm kiểm soát.

Trở ngại giao tiếp

Ngoài ra, vì thiếu nền tảng trong kiến thức, khi gặp vấn đề, các bạn thường không biết “điểm mặt gọi tên” vấn đề của mình là gì. Chỉ biết “search” đại, trúng đâu thì trúng, tới đâu thì tới. Nếu may mắn, các bạn có thể tìm thấy giải pháp của mình trên các kênh thông tin, hoặc gặp đúng người giỏi chuyên môn có thể giải quyết vấn đề của bạn. Nhưng đôi khi thì không. Khi đó, các bạn thường sẽ loay hoay tìm hướng giải quyết, hoặc giải quyết đại, hoặc tìm người giúp đỡ nhưng người đó lại không giỏi chuyên môn (mà bạn cũng chẳng biết điều đó),... và còn nhiều vấn đề khác dễ xảy ra nếu bạn “xui” và không đủ kiến thức để xác định hướng giải quyết vấn đề đúng. 

Thiếu kết nối

Vấn đề thường thấy của các bạn “tay ngang” ở bất cứ ngành nghề nào là sự thiếu kết nối. Các bạn không biết những “cây đại thụ” trong nghề là ai, phương pháp - ứng dụng nào đang phổ biến hiện tại, cộng đồng nào uy tín và chất lượng, công ty nào phù hợp và chưa phù hợp,... . Nếu bạn là một người chủ động và đam mê với công việc đủ nhiều, xin chúc mừng, bạn chắc chắn sẽ tạo được vòng tròn kết nối của riêng bạn, vòng tròn này sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng nếu bạn không, sẽ khó khăn đấy! Nếu vòng tròn kết nối của bạn không đủ mạnh, cô độc là cảm giác đầu tiên bạn sẽ nhận được. Dần lâu, bạn sẽ bắt đầu thấy hoài nghi về năng lực  bản thân, những điều bạn làm có thực sự giúp ích cho tổ chức, mục đích của công việc này là gì, và cảm giác “vô định” là điều mà những “tay ngang” làm nghề sẽ nhận được nếu bản thân bạn không có ý chí và định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. 

Nhưng, chúng ta cũng không thể phủ nhận, đã có không ít nhân sự “tay ngang” đã thành công với nghề. Điểm chung của những “tay ngang” này là sự máu lửa và điên rồ. Họ nhận thấy được tầm quan trọng của nghề Nhân và vận dụng những kỹ năng và kiến thức sẵn có để “bơi”. Nhưng “tay bơi” nào cũng biết, muốn trở nên bứt phá, bạn buộc phải có một hệ thống kiến thức chuẩn hóa, bài bản và phương pháp luận rõ ràng để giúp bạn kết hợp với sự “điên rồ” của chính mình, tạo ra sức ảnh hưởng của riêng bạn. Vì như thế nào đi nữa, kiến thức và kinh nghiệm là hai thái cực song hàng dẫn bạn đến thành công.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nhìn nhận những điểm yếu của bản thân nếu bạn là một người làm Nhân sự “tay ngang” muốn phát triển với nghề. Là “tay ngang”, không đồng nghĩa bạn thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp của mình, hãy biết tận dụng lợi thế đó, trau dồi và rèn giũa bản thân để trở thành một người Nhân sự thành công nhé!

BTV Alvin