Cách viết Job Posting để thu hút ứng viên ngay lần đọc đầu tiên

Cách viết Job Posting để thu hút ứng viên ngay lần đọc đầu tiên

HR General - Nhân sự tổng hợp

Cho dù bạn đang tìm kiếm vị trí nhân viên chuyên môn hay nhân sự cấp cao thì một tin tuyển dụng hấp dẫn sẽ giúp nhà tuyển dụng thu hút được đúng đối tượng ứng viên ở mọi quy mô công ty. 

Dưới đây là 4 lý do thuyết phục để bạn nên chăm chút vào Job Posting trên bất kỳ nền tảng nào: 

a. Viết kỹ JD giúp nhà tuyển dụng không mất nhiều thời gian để trả lời ứng viên.

b. Bài đăng tốt sẽ loại bỏ được các ứng viên không đủ tiêu chuẩn. 

c. Bài đăng rõ ràng sẽ giúp hiểu viên đánh giá được khả năng của mình, và các nhiệm vụ cần phải làm. 

d. Đăng một bản mô tả công việc chi tiết và đầy đủ cũng giúp ứng viên đánh giá được mức độ chuyên nghiệp của công ty. 

Nhưng trước hết, chúng ta cần phân biệt được tin tuyển dụng (Job Posting) và bản mô tả công việc (Job Description). JD là bản mô tả công việc chi tiết những nhiệm vụ, yêu cầu, quyền hạn để cho những người ứng tuyển biết được đầu công việc phải thực hiện và lộ trình nghề nghiệp sau này. 

Tuy nhiên, bản JD lại có vẻ nhàm chán và ứng viên sẽ không mấy hứng thú đọc bản mô tả này. Trong khi tin tuyển dụng cũng là một loại tin quảng cáo, chúng phải gây được hứng thú cho người đọc ngay từ lần chạm mắt đầu tiên. 

Dưới đây, Học viện đào tạo nhân sự Link Power sẽ hướng dẫn bạn cách viết JD để thu hút ứng viên ngay lần đọc đầu tiên: 

1. Tạo tiêu đề bắt mắt, ấn tượng

Khi đọc một tiêu đề quảng cáo tuyển dụng, thông thường người đọc chỉ lưu lại trên trang khoảng 5s. Vì vậy, một tiêu đề thu hút, ấn tượng sẽ tạo được sự hứng thú cho người đọc chú ý đến tin tuyển dụng của bạn. 

Vì vậy, việc tạo ra một tiêu đề hay, hấp dẫn là thành công bước đầu của một tin tuyển dụng. Yêu cầu: cách giật title phải gây hứng thú, tò mò cho người đọc. Tuy nhiên, tiêu đề nên để ngắn gọn, rõ ràng. 

Một số dạng tiêu đề đăng tin tuyển dụng thường gặp, mỗi loại sẽ phù hợp đối với đối tượng lao động riêng.

a. Direct Headline (vào thẳng vấn đề): – [Công Ty] [Địa điểm] + Tuyển dụng/Tuyển gấp/ Cần tuyển + Số lượng + Vị trí + Keywords. 

Ví dụ: Công Ty Đông Á cần tuyển dụng gấp 20 Kỹ thuật viên tự động hóa làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

b. Indirect Headline (vào đề gián tiếp): Sử dụng lời nói gián tiếp để gây tò mò. Ví dụ, Công ty TAT đang chiêu mộ 5 nhân viên IT để “hưởng mức lương” nghìn đô. 

c. How headline: Headline “Làm thế nào để …”. Làm thế nào để trở thành thành viên của Đại gia đình Đại Việt Group?

d. Question Headline?: Dạng câu hỏi thu hút + Headline. Vì sao “trâu chậm uống nước đục”? Ứng tuyển ngay đừng để HR phải giục.

e. Imperative Headline: Dạng nhấn mạnh việc cần làm ngay. Đừng để lương thấp ảnh hưởng tới cuộc đời bạn!. Thất tình không đáng sợ, thất nghiệp mới đáng sợ. 

f. Bắt trend xu hướng: Đến Uber còn về với Grab – Tại sao bạn không về với …

2.  Nội dung hấp dẫn

Để tạo được một bài Job Posting hấp dẫn không nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ khoa trương. Một tin tuyển dụng hiệu quả là phù hợp, chi tiết, ngắn gọn nhưng được sắp xếp dưới dạng 1 câu chuyện. 

Dù viết theo kiểu nào thì content của 1 bài tin tuyển dụng sẽ không thể thiếu các thành phần sau: 

  • Khái quát những đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp: Đại Việt là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản. Vietnam Airline là hãng hàng không quốc gia Việt Nam. ..
  • Cung cấp thông tin cụ thể vị trí tuyển dụng: Tuyển trường phòng nhân sự HRBP. 
  • Đưa ra yêu cầu tuyển dụng: Đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm ở vị trí chuyên viên HRBP.
  • Đưa ra ngắn gọn các đầu việc quan trọng nhất: Phối hợp bộ phận Marketing và các phòng ban khác đưa ra chiến lược nhân sự cho CEO, BOD; Đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động. 
  • Chế độ phúc lợi: Gồm tiền lương, thưởng và các chế độ khác. 
  • Địa điểm làm việc

Nhưng dừng ở đây thì vẫn chưa hấp dẫn được người đọc, người đăng tin không nên chỉ nói về công việc mà hãy nói thêm về công ty như: thành lập từ năm nào, công ty gia đình, tư nhân hay nhà nước; chế độ đãi ngộ ra sao so với mặt bằng chung; độ tuổi trung bình của nhân viên; đặc thù công việc là gì.

Nói bao quát các thông tin này giúp ứng viên hiểu họ có thể có những cơ hội nào tại công ty và vị trí đóng vai trò như thế nào trong công ty. 

3. Viết ngắn gọn và sử dụng các thanh bullet

Một nghiên cứu của LinkedIn cho thấy rằng các tin tuyển dụng ngắn hơn sẽ có nhiều người nộp đơn hơn. Các bài đăng từ một đến 300 từ nhận được nhiều hơn 8,4% đơn đăng ký so với các bài đăng tuyển dụng trung bình (301 đến 600 từ) hoặc dài (601 từ trở lên).

Điều này cho thấy việc viết nội dung JP ngắn gọn sẽ khiến ứng viên cảm thấy thoải mái và dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn. Tuy nhiên, ngắn gọn nhưng vẫn phải đầy đủ các đầu mục như ở phần nội dung content chúng tôi đã liệt kê. 

Tiếp theo, bất cứ khi nào có thể hãy sử dụng các thanh Bullet để làm nổi bật nội dung và để ứng viên dễ tiếp thu. Đây là lý do tại sao: 

  • Dấu đầu dòng giúp chia nhỏ các khái niệm phức tạp và giúp thông tin dễ nhớ hơn.
  • Sử dụng gạch đầu dòng giúp ứng viên quét nhanh tin tuyển dụng của để xem liệu họ có các kỹ năng bạn muốn hay không.
  • Ứng viên có thể dễ dàng nhận thấy công việc và công ty có mang lại cơ hội mà họ mong muốn hay không.

4. Viết theo mô hình kim tự tháp 

Các ứng viên dành trung bình từ 14 đến 30 giây để xem lại tin tuyển dụng, điều đó có nghĩa là bạn cần bao quát các khía cạnh quan trọng nhất của công việc càng nhanh càng tốt.

Đặt các yếu tố quan trọng của vị trí ở đầu bài đăng theo mô hình kim tự tháp. Một nghiên cứu của The Ladders đã theo dõi chuyển động mắt của những người tìm việc khi họ xem các tin tuyển dụng.

Nghiên cứu cho thấy các đối tượng dành phần lớn thời gian để xem thông tin ở đầu bài đăng. Tuy nhiên, những người tìm việc thường lướt qua phần dưới cùng của tin tuyển dụng, vì vậy đây là nơi dành cho những khía cạnh ít quan trọng hơn của công việc.

5. Giữ văn phong chuyên nghiệp 

Tin tuyển dụng của bạn không nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ trang trọng (trừ khi đó là ngôn ngữ trên thương hiệu). Tuy nhiên, nó cũng không nên quá thân mật. Người viết nên sử dụng văn phong “chuyên nghiệp nhưng giản dị”, không nên quá vui vẻ, suồng sã. 

Ví dụ, bạn có thể nói “Chúng tôi là một văn phòng thân thiện với chó, cung cấp bữa trưa phục vụ vào các ngày Thứ Ba và có một giải đấu bóng bàn tại văn phòng”. Điều này giúp ứng viên định hình được văn hóa công ty. Tuy nhiên với kiểu văn phong bông đùa như “Văn phòng công ty có một tá trai đẹp đang chờ bạn rước”, nó không truyền tải đi bất kỳ thông điệp nào.